CẢM NGHIỆM VỀ AUSCHWITZ – TRẠI TẬP TRUNG HỦY DIỆT KHÉT TIẾNG NHẤT CỦA ĐỨC QUỐC XÃ TẠI ÂU CHÂU

CẢM NGHIỆM VỀ AUSCHWITZ – TRẠI TẬP TRUNG HỦY DIỆT KHÉT TIẾNG NHẤT CỦA ĐỨC QUỐC XÃ TẠI ÂU CHÂU

Mỗi lần nói về Đức Quốc Xã, phải nói là tui vô cùng thích thú về những câu chuyện liên quan đến nó. Đừng hiểu lầm rằng tui thích chủ nghĩa ĐQX nhé, chỉ là tui thích coi những bộ phim về nó mà thôi, mà điều đặc biệt Mỡ tui thích nhất chính là bộ quân phục của nó. Nhiều ý kiến cho rằng bộ quân phục của ĐQX là một trong những bộ quân phục đẹp nhất qua mọi thời đại. Rất tiếc, những bộ quân phục đó lại khoác bên ngoài những kẻ sát nhân hàng loạt, những con người có lòng dạ man rợ nhất. Mong rằng những tấm hình của tui với chú giải kèm theo sẽ giúp mọi người phần nào hiểu rõ hơn về những phân khu của trại Auschwitz.

Auschwitz là trại tập trung tử thần lớn nhất của ĐQX và kể từ năm 1942 nó là trung tâm hủy diệt tập thể người Do Thái khi có tới hơn 1 triệu trong tổng số 6 triệu người Do Thái (chú thích thêm vì có người không hiểu Do Thái là gì, Do Thái là Israel ấy) bị hủy diệt tại đây. Auschwitz nằm phía tây và cách thành phố Kraków – Ba Lan khoảng chừng 55 cây số. Auschwitz là tên gọi bằng tiếng Đức chứ không phải là tiếng Ba Lan, nhằm để nhắc người ta luôn nhớ rằng nơi đây đã từng là nơi diệt chủng khét tiếng, là nơi biết bao tội ác của ĐQX đã diễn ra.

Để bước vào nơi đây, bạn phải đi theo tour chứ đi lớ ngớ một mình thì người ta sẽ hỏi liền ấy. Trước khi bước vào thăm quan, điều đầu tiên phải làm là lấy vé ra kèm theo passport để nhân viên họ so sánh coi phải mình hông. Sau đó phải tiếp tục qua hệ thống an ninh giống y chang như ở sân bay vậy, nghĩa là phải bỏ hết đồ đạc kim loại ra rồi đưa qua máy soi đàng hoàng. Có một điều bạn phải in trong đầu rằng, đừng bao giờ làm bất kỳ điều gì dại dột để làm trò, để đùa giỡn hay để tạo kiểu chụp hình. Cụ thể hơn, đừng bao giờ chào theo kiểu ĐQX ở đây, đã có người ngu dại làm điều đó và đã bị phạt tiền cũng như bị phạt tù.

Theo "Final Solution To The Jewish Question" của ĐQX, nghĩa là "Giải pháp cuối cùng cho vấn đề người Do Thái", dân Do Thái đã được vận chuyển đến Auschwitz bằng xe lửa trong những toa dành cho súc vật, chứ không phải là họ được ngồi ngay ngắn đàng hoàng như hành khách đâu nha. Trong đầu họ lúc đó chỉ nghĩ rằng họ được đưa đi tái định cư (trước đó họ đã được tách ra vào những khu biệt lập dành cho người Do Thái được gọi là ghetto và họ bắt buộc phải đeo trên người ngội sao David sáu cánh để người khác biết được họ là người Do Thái) chứ không nghĩ rằng họ đang phải đi đến chỗ chết. Ngay khi vừa bước xuống xe lửa, đồ đạc của họ đều bị quăng qua một bên hết, họ phải xếp thành 2 hàng để kiểm tra sức khỏe, một bên là đàn ông, bên còn lại là phụ nữ và trẻ em. Người nào còn khỏe sẽ được đưa đi lao động, còn trẻ em và người già yếu, bệnh tật sẽ đi thẳng tới chỗ hành quyết. Thường mỗi chuyến xe lửa như vậy có từ 70 đến 75 phần trăm số người sẽ bị hành quyết. Những nạn nhân này sẽ đi thẳng đến những phòng hơi ngạt (mình thường gọi là hơi ngạt nhưng phải hiểu đúng là những phòng đó sẽ thải ra khí độc tên là Zyklon B). Khi phân loại, lực lượng SS (Schutztaffel – Lực lượng an ninh đặc biệt của ĐQX) nói láo rằng việc phân loại chỉ để mọi người được đi tắm sạch sẽ để tẩy sạch chấy rận, sau đó mọi người sẽ được đoàn tụ lại với nhau. Không ai biết rằng đó là giây phút sau cùng mà các thành viên trong gia đình còn nhìn thấy mặt nhau. Ngay sau đó, nạn nhân được đưa ngay vào "phòng tắm", thực chất là phòng hơi ngạt. Họ tưởng được đi tắm đàng hoàng vì trên đường đi có những bảng chỉ dẫn như vậy. Trước khi vào phòng hơi ngạt, phụ nữ và trẻ em gái bị lột sạch hết quần áo rồi bị cắt tóc. Sau khi chết, xác người nào có răng vàng sẽ bị gỡ ra để làm chiến lợi phẩm trước khi bị đưa vào lò thiêu. Người ta có câu "Mọi con đường đều dẫn về thành Rome" thì đối với người Do Thái sẽ là "Mọi con đường đều dẫn về Auschwitz". Quả thật vậy, dù ở bất cứ nơi đâu như là Đức, Áo, Ba Lan, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ý, Croatia, Hungary, Tiệp Khắc, Hy Lạp, Slovakia, Nam Tư, Na Uy thì những người gốc Do Thái hầu hết đều bị đày về Auschwitz.

Theo trật tự chuyến thăm quan thì họ dẫn tui vào trại Auschwitz 1, ngay tại cổng có dòng chữ "ARBEIT MACHT FREI", nghĩa là "LAO ĐỘNG LÀM NÊN TỰ DO". Dòng chữ này làm cho người Do Thái (và những người khác chẳng hạn như là tù chính trị Ba Lan, người Gypsy, tù chiến tranh Soviet và tù chiến tranh các nước khác) cảm thấy lạc quan chứ họ không biết rằng họ đang bước vào chỗ chết. Mỗi ngày, hàng ngàn người phải đi lao động cật lực hàng giờ liền vào sáng sớm, để rồi khi chiều về, họ phải mệt mỏi trở về trại kèm theo những cái xác khiêng theo vì kiệt sức hay bị bắn tùy hứng. Trước khi họ đi và trước khi họ về đều có một ban nhạc trình diễn ngay tại cổng, việc này dùng để giữ chân họ và giúp tụi ĐQX dễ dàng hơn trong việc đếm số lượng. Trong thời gian ở đây, có rất nhiều người chết vì đói kém, lao động kiệt sức, tra tấn hay bị bắn, bị đưa vào phòng hơi ngạt do tụi Gestapo (Geheime Staatspolizei – Lực lượng cảnh sát chìm của ĐQX) gây ra. Người nào từ chối đi lao động sẽ bị lột sạch quần áo rồi bị đưa ra ngoài trời giữa cái rét cắt da cắt thịt. Chưa hết, trước khi bị đưa ra ngoài trời, họ còn bị nhúng nước và chính điều này đã dẫn họ đến cái chết không thể tránh khỏi sau đó. Thật sự ngay cả tui, mặc dù đã ăn mặc kỹ càng rồi mà còn cảm thấy run vì rét thì huống gì những con người vừa trần truồng, vừa bị nhúng nước rồi bị đưa ra ngoài trời như vậy. Chính vì thời tiết khắc nghiệt như vậy đã làm tụi ĐQX hình thành lên một cách tra tấn mới, đó được gọi là roll-call, nghĩa là điểm danh. Hằng ngày, tất cả tù nhân đều bị điểm danh bằng cách đứng hằng giờ liền giữa cái rét khủng khiếp. Cuộc điểm danh này có khi chỉ vài giờ, nhưng cũng có khi lên tới hàng chục giờ liền.

Tại trại này là trại Auschwitz I, họ có những phòng trưng bày nào là những hộp chứa khí độc Zyklon B, rồi những mô hình tả lại cách giết người bằng khí độc, rồi việc xây dựng những lò thiêu tập thể. Đặc biệt, khi đi qua những phòng trưng bày chứa đựng những vết tích của những người bị giết như là tóc của họ, rồi những thứ được dệt từ tóc, mắt kiếng, khăn quấn đầu của phụ nữ, tay chân giả của người bị tàn tật, đồ gia dụng, giày dép, vali, cặp táp, quần áo trẻ em, tui không thể nào kiềm lại được cảm xúc của mình, người nó cứ cảm thấy sờ sợ lành lạnh khi trước mắt mình là đồ của những người đã chết vì sự man rợ của tụi ĐQX. Tụi ĐQX còn đem phụ nữ và trẻ em ra làm những cuộc mổ xẻ và thí nghiệm y học. Ngoài việc tra tấn đến chết và thí nghiệm y học, hàng ngàn người còn bị đem ra xử bắn tại Death Wall (Bức tường tử thần) gồm người Do Thái, tù chính trị Ba Lan, quân kháng chiến, tù chiến tranh Soviet.

Sau khi rời khỏi trại Auschwitz I, họ đưa mình tới trại Auschwitz II hay còn gọi là Auschwitz II-Birkenau, kể từ năm 1942 thì đây là nơi hủy diệt người Do Thái lớn nhất khi phòng hơi ngạt có thể hành quyết lên tới 2,000 người mỗi giờ. Vào giai đoạn cuối của thế chiến thứ 2, lực lượng SS cố gắng xóa đi những vết tích tội ác của họ bằng cách tiêu hủy những phòng hơi ngạt, lò thiêu và những tài liệu liên quan. Tù nhân bắt đầu được vận chuyển đến Đức, chỉ còn số ít sót lại nơi đây được giải phóng bởi hồng quân Liên Xô. Năm 1947, Trung tá SS Rudolf Höss – Trại trưởng Auschwitz bị t.cổ ngay tại Auschwitz 1, là nơi mà hắn đã gây ra tội ác diệt chủng. Năm 1979, những tàn tích nơi đây đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới. Cho đến bây giờ, đoạn đường ray xe lửa dẫn vào trại Auschwitz II-Birkenau vẫn được giữ nguyên và người ta (và chính tui) vẫn cảm thấy rùng rợn mỗi khi nhìn đoạn đường ray xe lửa đó.

Qua chuyến thăm quan, nó gợi lên cho tui hai cái cảm nhận, một là cảm nghiệm về mầu nhiệm tình yêu, và hai là cảm nghiệm về mầu nhiệm sự dữ. Nói về mầu nhiệm sự dữ trước, đó là khi con người ta đạt tới đỉnh điểm của sự thù hận, là sự chống lại loài người, thì con người ta có thể nghĩ ra muôn vàn cách tra tấn, giết hại lẫn nhau mà một người bình thường không thể nào nghĩ ra được trên đời này lại có những phương thức giết người tàn nhẫn, man rợ, dã man như vậy. Cho tới hàng chục năm sau, con người ta vẫn ngỡ ngàng bàng hoàng khi nghe đến những tội ác như vậy. Gọi là mầu nhiệm (mystery) là bởi vì không một ai có thể giải thích được cái căn nguyên dẫn đến những tội ác như thế.

Tiếp theo là nói về mầu nhiệm tình yêu. Hẳn các bạn Công giáo đã một lúc nào đó thoáng nghe về thánh Maximilian Kolbe rồi phải hông. Ngài là một linh mục người Ba Lan của dòng Phanxicô và ngài đã bị bắt giam tại trại Auschwitz 1. Năm 1941, có một tù nhân tên là Gajowniczek cùng 9 người khác bị tử hình bằng hình thức bỏ đói đến chết vì đã phạm tội để cho một người khác đào thoát khỏi nhà tù. Khi nghe Gajowniczek kể về vợ và hai đứa con trai của mình, cha Kolbe đã tự nguyện thế chỗ Gajowniczek để chết thay cho anh. Sau 14 ngày sống sót không đồ ăn thức uống, cha đã bị kết liễu bằng cách tiêm thuốc độc. Gọi là mầu nhiệm bởi vì khi đạt đến đỉnh điểm của tình yêu, con người ta có thể làm bất cứ điều gì, kể cả hy sinh mạng sống của mình cho người khác.

Tiếp tục nói về mầu nhiệm tình yêu, cũng như những điều liên quan đến Ba Lan, tui xin giới thiệu đến các bạn bộ phim đã đoạt tới 7 giải Oscar cho phim xuất sắc nhất cũng như giải Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất Liam Neeson (diễn viên mà mọi người hay đem ra giỡn với câu nói huyền thoại "Ta không biết ngươi là ai nhưng ta sẽ tìm ra và…" qua loạt phim Taken ấy), đó chính là phim Schindler's List (Danh sách của Schindler). Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thực. Nó nói về một vị doanh nhân tên là Oskar Schindler và cái đáng chú ý nhất là ông này lại là người của Đảng Quốc Xã. Ông là ông chủ của một nhà máy tráng men và đạn dược ngay tại Kraków, Ba Lan. Nếu mà nói về cuộc sống hôn nhân của ông thì thật sự ông không phải kiểu mẫu của sự chung thủy bởi vì ông có vợ và rất nhiều tình nhân. Nếu gạt chuyện đó sang một bên thì có thể nói rằng ông là một doanh nhân ưu tú và trên hết, điều làm cho ông trở thành anh hùng vang danh qua mọi thời đại chính là ông đã cứu mạng sống của khoảng 1,200 người Do Thái bằng cách tuyển họ vào làm cho nhà máy của ông. Câu nói đáng nhớ nhất của ông chính là "Ước gì tôi đã có thể cứu được nhiều người hơn". Ngày nay, mộ của ông nằm ở ngọn núi Zion thuộc đất nước Do Thái và trên mộ ông lúc nào cũng có rất nhiều hòn đá, là biểu hiện cho sự tôn trọng cao nhất của người Do Thái dành cho ông. (Nhà máy của ông nằm khá gần nơi tui trọ nhưng tui không có thời gian làm một tour tới đó)

Bộ phim thứ hai cũng thuộc dạng kinh điển mà tui khuyến khích mọi người nên xem, cũng là liên quan đến ĐQX chính là phim Nghệ Sĩ Dương Cầm (The pianist) đã đạt tới 7 giải Oscar cho phim hay nhất và giải Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất Adrien Brody. Phim này cũng là một câu chuyện hoàn toàn có thực diễn ra tại thành phố Warsaw, thủ đô Ba Lan.

Qua hai bộ phim trên, mọi người sẽ phần nào cảm nhận được tội ác của ĐQX trong những trại tập trung. Ngoài ra còn những bộ phim hay khác như là Inglorious Bastards (tui thích nhất cách diễn xuất của vai Đại tá Hans Landa), Deadfall (phim này bị chế lời liên tục qua cách giận dữ của Adolf Hitler), The boy in the striped pijamas (phần nào cảm nhận được sự diệt chủng), Operation Finale (nói về việc truy bắt Adolf Eichmann, chủ mưu của "Giải pháp cuối cùng" do nam tài tử Ben Kingsley thủ vai).

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn