1100 euro đi 5 quốc gia châu Âu - Mình đã quản lý chi phí như thế nào?

❓❓1100 euro đi 5 quốc gia châu Âu - Mình đã quản lý chi phí như thế nào?
Để mọi người hiểu rõ hơn tại sao mình có thể đi với chi phí như vậy, mình xin nói qua một số điều như sau
- 1100 euro không bao gồm chi phí máy bay và thủ tục sang châu Âu của mình.
- Mình là sinh viên nên mỗi chuyến đi của mình đều có budget vô cùng ít ỏi. Mình tối ưu hóa mọi hoạt động để có trải nghiệm phù hợp nhất với bản thân nên số tiền mình đã chi tiêu là hoàn toàn có thể.
Làm sao để lên được kế hoạch đi chơi hiệu quả nhất?
🔶Tìm hiểu mục đích, nhu cầu của bản thân mình
Mỗi người có một sở thích du lịch riêng hay nói cách khác gu du lịch của mỗi người là khác nhau. Có người thích ăn uống, nghỉ ngơi cao cấp, có người thích du lịch kiểu chụp ảnh check in, người thích thiên nhiên, người mê kiến trúc. Nếu bạn thích dân dã, bạn không thể tham khảo và đi theo những tuyến du lịch đắt đỏ nhưng nhiều người review. Hãy tìm hiểu rõ mình muốn gì điều gì thực sự là cái mình cần hơn là làm theo những điều mà nhiều người ưa chuộng.
🔶Tối ưu chi phí
Một chuyến đi với mình sẽ có 4 loại chi phí: đi lại, chỗ ở, ăn uống, và vé vào cửa các điểm tham quan.
🚃🚃Chi phí đi lại
- Các chuyến tàu/bus di chuyển giữa các quốc gia, thành phố hầu hết tụi mình đều book đi đêm. Việc này sẽ cắt giảm được chi phí chỗ ở các đêm, giá vé tàu/xe đêm cũng rẻ hơn nữa ạ.
- Vé máy bay từ Ý sang Hà Lan: Giá vé máy bay dù là hãng bay nào cũng sẽ luôn thay đổi theo giờ và ngày mình đặt. Đặt đầu tuần, nửa đêm thì giá vé thường sẽ tốt hơn nhưng cũng cần theo dõi thường xuyên. Mình đặt vé này trên Trip. com. Ứng dụng này mình thấy có nhiều deal tốt cả khách sạn lẫn vé đi lại.
- Để đi giữa các thành phố, quốc gia, mình sử dụng chủ yếu là Flixbus và tàu. Đây là phương thức khá phổ biến và giá rẻ ở châu Âu. Có một số website/app uy tín mình đã sử dụng:
Trainline: Cung cấp cả dịch vụ tàu và bus. Mình thường dùng cái này để tra giá, thời gian đi lại giữa các thành phố, quốc gia để so sánh giá cả và tuyến đường. Trainline hoạt động như một bên trung gian giữa nhà cung cấp và khách hàng nên nó tổng hợp được nhiều giờ di chuyển với các mức giá khác nhau từ các đơn vị vận tải khác nhau.
Flixbus: Đây là một hãng bus phổ biến giá rẻ ở châu Âu. Bạn đồng hành chuyến châu Âu này của mình đã tìm được voucher code để đặt Flixbus nên tụi mình tiết kiệm được kha khá chi phí. Voucher này áp dụng khi đăng ký và chuyến đầu tiên bạn đặt. Bạn cần đăng ký tài khoản Flixbus bằng số di dộng (áp dụng ở nhiều quốc gia châu Âu). Mình sẽ để link đăng ký lấy mã ở phía dưới bình luận cho mọi người tham khảo nha 👇
- Còn đây là một số app mình sử dụng ở 1 số thành phố nhất định:
NS hoặc 9292: Đây là app mình dùng ở Hà Lan. App có cách dùng tương tự google map nhưng sẽ hiện ra tuyến tàu, platform và thời gian vô cùng cụ thể và chuẩn xác. Bạn có thể mua vé ngay trên này nhưng mình thấy hơi đắt nên tùy lịch trình mà bạn mua các loại vé xanh, vé đỏ, vé vàng… cho phù hợp nha. Mình có review chi tiết trong bài viết trên trang cá nhân rồi.
SBB: Đây là app mình dùng ở Thụy Sĩ, trọn vẹn tất cả các tuyến tàu và bus ở Thụy Sĩ luôn. Các thẻ đi lại của Thụy Sĩ nếu bạn mua cũng có thể được tích hợp trên app luôn, vô cùng thuận tiện.
ACTV: Đây là app mình dùng ở Venice (Ý), bao gồm cả bus, tram. Ở Ý mỗi thành phố có vẻ đều có 1 app riêng. App này dùng dễ nhưng mình chỉ dùng để mua vé và kích hoạt (activate) chứ không tra đường, tra tuyến được như ở Hà Lan và Thụy Sĩ.
Trenitalia: App tàu dùng trong nước Ý. Hãng này và các chuyến của Frecciarossa cũng nằm trên app này luôn. Hãng tàu này có ưu đãi cho các tài khoản đăng ký dưới 30 tuổi. Đăng ký tài khoản để mua vé tàu nhận ưu đãi.
Italo: Tương tự như Trenitalia. App này không cần đăng ký tài khoản nhưng họ phân chia mức giá theo độ tuổi. Từ 14 - 29 tuổi mình sẽ được mức giá tốt hơn khi book vé.
Ở Paris, bạn nên mua vé mobilis. Vé này cover cả bus, tram, train và metro và giá vé sẽ phụ thuộc vào zone bạn đi. Như mình mua zone 1-2 thì chỉ 8,45 euro. Mình note lại cái này vì mình thấy nhiều du khách mua vé loại 19 euro cho 10 vé và đi chuyến nào sẽ xé đi 1 cái ý. Mình thấy bất tiện và đắt hơn nhiều. Vé này mình không tìm hiểu kĩ nhưng nếu mọi người đi tuyến như mình thì mobilis là quá đủ.
Ở Rome, vé đi lại có thể mua trên app atac nhưng chúng mình đã mua và không thể quét được QR vào cổng metro. Mọi người nên mua trực tiếp. Vé đơn 1 lượt đi tàu/bus/metro chỉ có 1,5 euro có thể mua tại bến hoặc các tabacchi khắp nơi.
🏡🏡Chi phí chỗ ở
- Hầu hết chỗ ở của mình đều là book host người Việt, chi phí này sẽ thấp hơn book khách sạn, giá trong khoảng từ 25-35 euro/người/đêm. Có một số host mà mình thực sự vô cùng, vô cùng recommend mọi người có thể tham khảo nhé.
Kimi Kimi: Chị host ở Amsterdam - Hà Lan. Chị Kim thì chắc là quá nổi tiếng rồi nên không còn lời nào để miêu tả về sự dễ thương, tận tình và chu đáo của chị nữa. Tụi mình thậm chí được chị nấu cho ăn vì về muộn, luôn dặn dò chúng mình đủ thứ, bắt mình phải ăn nhiều ơi là nhiều haha. 100 điểm không có nhưng.
Cẩm Uyên: Chị host ở Venice - Ý. Nhà chị ở trong khu Mestre, chi phí các thứ mình thấy khu này có vẻ ổn. Chị nhiệt tình, cũng hỗ trợ tụi mình nhiều trong suốt quá trình lưu trú. Chị còn cho tụi mình ở đến rất muộn sau khi check out vì tụi mình book chuyến bus đêm.
Mary Huyen: Cô host ở Rome - Ý. Mình thấy so với nhiều host ở Rome, cô chỉ mới gia nhập thị trường thì phải. Nhà cô không ở trung tâm, giá một đêm rẻ đến bất ngờ vì tìm host ở Rome quả thực quá đắt đỏ. Ở xa trung tâm nhưng cô nhiệt tình đưa đón tụi mình, trò chuyện với tụi mình như những người bạn, lo lắng cho sự an toàn của tụi mình ở Rome vì nạn trộm cắp. Thực sự quá tuyệt vời luôn ý huhu.
- Có một hình thức nữa giúp tụi mình tiết kiệm được 2 đêm chi phí chỗ ở, đó là CouchSurfing. Mình mới biết từ khi lên kế hoạch các nước châu Âu. App này là app mà các host sẽ hỗ trợ khách du lịch ở miễn phí, hoàn toàn không mất tiền. Bạn mình đã chọn được 1 host cực kì tuyệt vời ở Milan. Tụi mình đã được nghe rất nhiều những câu chuyện thú vị và được đối đãi vô cùng tử tế dù tụi mình không phải trả bất kì khoản chi phí nào.
🥪 🍕Chi phí ăn uống
Chi phí ăn uống là cái mà biến động rất linh hoạt nhưng lại dễ kiểm soát. Mình là sinh viên, đi du lịch mục đích trải nghiệm ngắm nhìn thế giới nên mình không đặt nặng vấn đề ăn uống. Mình chia budget rõ ràng rằng trong 14 ngày, mình chỉ được ăn 200 euro. Và sự thật là, mình chỉ dùng hết ¾ budget của mình. Việc lên ý tưởng từ đầu về ngân sách mình có sẽ khiến bạn dễ dàng kiểm soát chi tiêu hơn. 200 euro chia đều cho 14 ngày, rồi chia đều tiếp cho 3 bữa hoặc 2 bữa 1 ngày. Công thức này sẽ giúp bạn không bao giờ tiêu lố.
🎟️🎟️Vé vào cửa các điểm tham quan
- Một khi đã dự định đi điểm nào có vé vào cửa, hãy tính toán thật kĩ giờ giấc đi chơi từng điểm của ngày hôm đó. Điểm tham quan free thì đơn giản vì mình đi lúc nào cũng được. Điểm trả phí thì chỉ vào 1 lần thôi.
- Vé Vatican Museum và Đấu trường La Mã đều phải canh và đánh vật mới có thể mua ở website chính thức với giá tốt. Nếu không, mình thấy đặt trên Get Your Guide vẫn là giá tốt nhất.
✴️✴️Tổng kết
Kết lại, nếu đã có kế hoạch đi du lịch, bạn nên lập kế hoạch các điểm càng sớm càng tốt và canh vé giá tốt. Vé máy bay luôn thay đổi giá tùy vào thời điểm bạn đặt, vé tàu càng gần ngày đi cũng sẽ càng tăng. Kế hoạch càng chi tiết, bạn càng dễ kiểm soát những vấn đề phát sinh. Đi châu Âu mà low budget thì chắc chắn không thể được ăn ngon ngủ kĩ, có xe đưa đón được. Bạn sẽ chấp nhận đi bộ nhiều, chỗ ở chỉ cần sạch sẽ và thuận tiện, ăn uống để ấm bụng và vừa phải thôi.
Bạn có thể tham khảo mẫu của mình. Lưu ý, mẫu này phù hợp hơn nếu bạn lập kế hoạch du lịch nội địa hoặc đã sống ở châu Âu rồi. Nếu không, bạn có thể lập check list các bước cần chuẩn bị từ visa, đồ cần mang theo, đồ cần chuẩn bị,...Mình sẽ để hết những cái mình nói ở phía dưới để mọi người tham khảo thêm nhé!

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn