Review cho những ai muốn đi Nga mùa thu tự túc (đi Moscow và Saint Petersburg).

Review cho những ai muốn đi Nga mùa thu tự túc (đi Moscow và Saint Petersburg). Đi 10 ngày tổng thiệt hại tầm 28tr, do còn mua lung tung  

* Làm visa đi Nga có dễ không? Cực dễ và đơn giản luôn, ấy vậy mà mình tự hành mình và chị gái dẫn mình đi thê thảm luôn. Nguyên do là tính mình cẩn thận, sợ đến mấy chỗ lãnh sự quán bị hành (vì làm visa đi Pháp từng bị hành bổ sung giấy tờ như vịt) nên chuẩn bị trước cho chắc ăn. Thế là mình lên 1 công ty du lịch thấy họ ghi chuẩn bị: CMND, hộ khẩu, hợp đồng lao động, sao kê 3 tháng lương, passport, thư mời, đơn nghỉ phép, vậy là mình bắt chị ấy chuẩn bị đủ cả. Chị bảo sao chị hỏi tại lãnh sự quán họ bảo cần mỗi thư mời, tờ khai, passport thôi mà, thì mình cứ cãi: Em đi nhiều rồi, nhiều khi họ bảo vậy xong lại hành mình quắn đít luôn đó chị.

Cái rồi đi nộp hồ sơ (40 Bà Huyện Thanh Quan, P. 6, Q. 3) thì họ chỉ lấy đúng 3 cái: thư mời, tờ khai và passport. Họ đưa biên lai đóng 720k thì phải, chạy ra Vietcombank đóng xong rồi về nộp lại. Hẹn 10 ngày sau lấy kết quả. Vậy là xong. Nếu hồ sơ không OK họ sẽ không kêu đi đóng tiền, còn đóng tiền là xác định sẽ có visa. Khi xin visa, hãy ghi rõ những thành phố mình sẽ đến vì nếu không sẽ không thể mua được vé tàu đến thành phố khác. 

Thời gian làm việc: sáng 2, 3 và 6 từ 9-12 giờ.

Làm thư mời có dễ không? Nếu quen ai đó ở Nga thì có thể nhờ họ làm thư mời và chi phí thì mình trả họ. Không cần phải có người thân mà bạn bè cũng mời được. Thư mời có 2 dạng là thư điện tử và thư tay. Tốt nhất là làm điện tử, in ra cho nhanh.

* Chi phí thư mời cho 2 người: 6.000 rúp. Nhờ người từ Nga cầm về: 500.000 đồng. Tuy nhiên làm online thì khỏi tốn vụ cầm về. 

* Mua vé máy bay: Lúc đầu mình tính mua của Emirates nhưng lại tốn 15 giờ bay, chờ quá cảnh ở Dubai nên mua của Aeroflot. Bay thẳng hết 10 tiếng. Có 46kg hành lý + 10kg xách tay. 

* Hải quan Nga: Khi máy bay hạ cánh thì nhanh nhanh tới cửa hải quan. Có 5 làn cho người Việt ở bên tay phải khu hải quan. Lý do phải nhanh chân là vì người Việt qua đây buôn bán, đi làm công nhân lậu nhiều. Những người này mất nhiều thời gian để kiểm tra. Thường khi tới lượt, họ đưa passport rồi lại ra chỗ xếp hàng đứng chờ, mất tầm 30 phút. Còn những người đi du lịch thì kiểm tra nhanh hơn, chờ 1-2 phút là qua được cửa ải này.

* Kiểm tra hành lý nhập cảnh: Do dân Việt buôn lậu và mang đồ tươi sống vô Nga nhiều nên mặc nhiên chỉ người Việt là phải bị kiểm tra hành lý qua máy soi. Khi thấy rau hay thịt tươi sống hoặc đồ cấm khác không cho mang vào Nga họ sẽ bắt mở hành lý ra và ném thẳng vào thùng rác. Đồ khô thì mang được. Nói chung đến cửa ải này thì thấy người Việt bị coi thường quá đáng luôn, nhưng cũng không trách họ được, không có lửa thì làm sao có khói.

* Ngôn ngữ: Người Nga hầu như không nói tiếng Anh. Dù trong trường có học nhưng không hiểu sao những câu giao tiếp đơn giản mà ai cũng không biết, kể cả nhân viên hải quan. Chỉ thỉnh thoảng mới có người biết chút chút. 

* Thẻ tàu điện ngầm: Chỉ cần mua thẻ 500 rúp, dùng hết rồi lại đóng thêm tiền là có thể đi metro và xe buýt. Tuy nhiên mấy hôm nay để ý thì mình thấy chỉ có duy nhất một trạm là có 1 quầy người bán biết nói tiếng Anh. Họ ghi rõ ngay trên cửa kính như vậy. Hệ thống tàu điện của Nga không khó đi, chỉ cần nhìn vào line màu nhưng mà tiếng khó đọc, khó nghe quá nên mình chẳng biết mô tê gì. Những chỗ nào đi quen thì biết chứ chỗ mới là mù tịt ^^^

* Thẻ điện thoại + 4G: Nếu đi chừng 1 tuần đến 10 ngày thì mua thẻ khoảng 350 rúp (126k) gọi điện (không chắc vì mình dùng messenger gọi không à, nhưng có gọi vài cuộc ở Nga) và xài 4G thoải mái. Dùng 4G liên tục đến ngày về vẫn chạy vèo vèo.

* Chỗ nghỉ: Nói chung giàu thì ở khách sạn 4,5 sao, còn đi tiết kiệm thì ở dạng homestay hoặc căn hộ. Có thể đặt phòng trên booking, giá ở homestay hoặc căn hộ chỉ tầm 400k/đêm cho 2 người. Ở thành phố du lịch như Saint Petersburg, vừa xuống tàu là có rất nhiều người tầm trên 50 tuổi đứng ôm bảng rao cho thuê căn hộ. Nếu mình thuê, họ sẽ dẫn về tận nơi. Còn mình ở ké nhà chị bạn ở ngoại ô Moscow nên mỗi lần di chuyển vô trong thành phố hết gần 2 tiếng, qua 2-3 lần tàu/metro, nhưng tiết kiệm được tiền trọ và hiểu được cách sinh hoạt của người Nga. Mình và chị bạn có 2 đêm trên tàu (đi và về từ Moscow đến Saint Petersburg) và 2 đêm ở Saint Petersburg, ngủ ké nhà bạn chị ấy 5 đêm.
* Tiền tệ: Nga dùng đồng rúp. 100 rúp = 36.000 đồng.
*Đi Nga tháng nào đẹp nhất? Có lẽ là đầu tháng 10 đến cuối tháng 11 lá mới vàng và đỏ hết, còn đầu tháng 9 mới vàng chút ít ở ngoại ô thôi, nhưng thời tiết lúc ý thì cũng hên xui lắm vì sẽ lạnh và mưa nhiều. Đi đầu tháng 9 ít mưa nhưng đi kiếm lá vàng mắc mệt à ha ha ha.
*Điểm tham quan ở Moscow: Quảng trường Đỏ, chợ Izmailovsky nằm ngay trong thành phố Moscow, chuyên bán hàng lưu niệm nhưng bán chủ yếu vào cuối tuần; trường Đại học Lomonosov trên đồi Chim Sẻ; phố cổ Arbat; cầu kính; một số ga tàu điện (không nhớ tên vì tên dài khó nhớ quá, mà search trên mạng sẽ thấy)...
*Saint Petersburg
Từ Moscow đi Saint Petersburg tầm 634km. Đi tàu sẽ có 2 dạng: đi tàu nhanh mất 4 tiếng giá khoảng hơn 10.000 rúp 1 lượt. Đi tàu chậm tầm 9 tiếng có 2 loại giá: giá cho 4 người chung 1 phòng 2 giường tầng khoảng 3.200 rúp/lượt, còn ghế nằm không ngăn phòng là 1.600 rúp. Hầu hết các tour du lịch đều cho đi tàu chậm để tối lên tàu ngủ, sáng dậy là tới Saint Petersburg. 

Một số địa điểm nổi tiếng như nhà thờ Savior on the Spilled Blood, bảo tàng State Hermitage (Giá vé: 700 rúp, có thêm hướng dẫn viên là 250 rúp. Mở cửa từ 10:30) tại quảng trường Palace, nhà thờ St. Isaac's Cathedral. Mấy địa điểm này chỉ cần đi dọc đại lộ Nevsky Prospekt là thấy. Cung điện mùa hè, mình mua tour đi từ 9g sáng đến 3g chiều hết tầm 700-800k tiền Việt. Đi thuyền trên sông Neva để ngắm các công trình hai bên sông giá từ 500 rúp, chạy khoảng 1 tiếng. Ở ngay cửa bảo tàng State Hermitage có nhiều người cầm bảng đứng chào đi thuyền và họ sẽ đưa ra tận chỗ thuyền đậu, cách đó tầm 1km.
Ăn uống: Ở Nga có rất nhiều món súp nhưng dễ ăn nhất là súp borsch (nấu với củ dền, hành tây, thịt gà, khoai tây); đồ ăn như thịt xông khói, bánh mì, trái cây… mua trong siêu thị rất rẻ. Còn có 1 hệ thống bán đồ ăn kiểu chọn món (ăn một bữa mấy món hết tầm 50-70k) có mặt từ mấy chục năm trước ở Nga, chuyên dành cho sinh viên (giờ thì ai cũng ăn) tên gì quên mất tiêu rồi, nhưng qua đó hỏi chắc ai cũng biết.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn