2 NGÀY Ở PALESTINE, BỜ TÂY SÔNG JORDAN

2 NGÀY Ở PALESTINE, BỜ TÂY SÔNG JORDAN

Trong 6 ngày ở Jerusalem thì mình dành 2 ngày để sang Palestine, đi dọc theo khu Bờ Tây lên phía Bắc tới Jericho - thành phố cổ xưa nhất của loài người, nơi có địa hình thấp nhất trên thế giới.

📌Visa: có visa Israel thì các bạn có thể sang Palestine bình thường. Hãy nhớ luôn mang theo hộ chiếu và blue card bên mình khi đi sang Palestine.

📌Đường bay: Palestine không có sân bay, các bạn chỉ có thể đi sang từ Israel bằng đường bộ, mình đi sang bằng xe bus Arab 234 từ Jerusalem và về bằng bus 263 từ thành phố al-Eizariya / Bethany

📌Đổi tiền: Palestine không có đồng tiền riêng, họ sử dụng đồng shekel của Israel. Chi phí ở Palestine rẻ hơn bên Israel 20-30%.

📌Thời tiết: đa phần diện tích Palestine là sa mạc Judean, do vậy khí hậu rất nóng vào mùa hè và rất lạnh vào mùa đông, đặc biệt Jericho là thành phố nóng nhất, vào mùa hè có thể tới 50*C. Tháng 11 là mùa thu nên sáng - tối lạnh 15-20*C, trưa - chiều nóng 28-30*C

📌An toàn: Bethlehem mình thấy rất an toàn, có lẽ bởi người dân ở đây hiểu rằng du lịch ở Bethlehem, Jericho là nguồn sống của họ, nhưng ở một số thành phố như Hebron thì hiện đang rất bất ổn giữa người Do thái và Arab. Trên đường đi dọc Bờ Tây các bạn sẽ thấy các khu định cư Do thái xây dựng trên đất Palestine ngày càng nhiều, là nguồn cơn của những đấu tranh bạo lực gần đây ở Israel/Palestine. Trước đây khu Bờ Tây (gọi là Bờ Tây vì nó phía Tây sông Jordan, còn thật ra nó là phía Đông của Palestine) là thủ phủ của phong trào Fatah, đứng đầu là Tổng thống Yasser Arafat, theo chủ nghĩa đấu tranh ngoại giao, hòa bình còn dải Gaza ở phía Tây Nam là thủ phủ của phong trào Hamas theo chủ nghĩa đấu tranh vũ trang. Gần đây người Palestine nhận ra rằng việc đấu tranh bằng hòa bình của Fatah không hiệu quả nữa, Palestine ngày càng mất thêm đất ở Bờ Tây trong khi ở Gaza thì Israel không dám xây một khu định cư Do thái nào. Lúc mình đến thì thái độ của tất cả những người Palestine mình gặp đều đã ngả về Hamas, có lẽ quãng thời gian yên ắng này giữa 2 bên sẽ không còn duy trì lâu nữa, nhất là khi Netanyahu chủ trương cứng rắn mới tái đắc cử Thủ tướng Israel.

📌Ăn uống: đồ ăn ở Palestine giống với Jordan, cũng phải thôi, Palestine là một quốc gia Hồi giáo và đã từng sát nhập vào Trans-Jordan mà.

📌Di chuyển : Khi di chuyển giữa Israel và Palestine các bạn phải lưu ý việc phân chia ranh giới ở khu Bờ Tây này rất loằng ngoằng, toàn bộ diện tích được chia thành 3 zone, cụ thể:
- Zone A: sinh sống bởi người Palestine, an ninh đảm bảo bởi chính quyền Palestine bao gồm các thành phố Nablus, Jenin, Tulkarem, Qalqilya, Ramallah, Bethlehem, Jericho và 80% diện tích Hebron. Theo thỏa thuận thì quân đội Israel và kể cả dân thường không được vào Zone A, tuy nhiên từ năm 2003 thì quân đội Israel bỏ qua cả thỏa thuận này và tự cho mình có quyền đột kích, bắt bớ những người Palestine chống đối tại Zone A.
- Zone B: sinh sống bởi người Palestine, an ninh được đảm bảo bởi sự kết hợp giữa chính quyền Palestine và Israel, chiếm khoảng 22% diện tích bờ Tây. Không có người Israel sinh sống tại Zone B nhưng hiện nay hầu như chỉ có an ninh Isarel hiện diện tại đây, chính quyền Palestine gần như ko có quyền lực gì.
- Zone C: sinh sống bởi người Israel lẫn người Palestine, an ninh đảm bảo bởi chính quyền Israel. Zone C chiếm đến 60% diện tích khu bờ Tây, gồm các ngôi làng Palestine, khu định cư Do thái và gần như toàn bộ các điểm du lịch, di tích ở Palestine.
     ❗️Xe ô tô biển Israel (màu vàng) có thể di chuyển trong Zone C, ko đc vào Zone A-B. Hầu hết các điểm du lịch trừ Bethlehem, Jericho các bạn có thể thuê xe từ Israel đi, nếu có lái xe thì giá cao mà tự lái thì hãy cẩn thận đi nhầm zone là bị phạt hoặc ko được bảo hiểm, các bạn nên sang Bethlehem và đàm phán với một lái xe taxi như mình.

📌Lịch trình cụ thể: trong 2 ngày 4-5 ở Palestine thì mình dành một ngày ở Behtlehem và các khu vực lân cận, ngày 5 mình phân vân giữa Jericho và Hebron nhưng dân bên đó bảo Hebron đang bất ổn không nên đến. Biển Chết thì mình đã tới ở Jordan rồi nên mình cũng bỏ qua, mặc dù theo nhiều người thì Biển Chết bờ Israel đẹp hơn.

📍Ngày 4: Bức tường an ninh Israel/Palestine, các tác phẩm graffiti phản chiến, Mar Saba - Tu viện thánh Sabba, Herodium, Beit Sahur - Nơi các thiên thần báo tin Jesus ra đời, Nhà thờ Giáng Sinh - Church of Nativity, Nhà thờ sữa Đức mẹ - Chapel of Milk Grotto

Sau khi từ Jerusalem sang Bethlehem bằng bus 234, Ali - bác lái xe taxi mình đặt trước từ Việt Nam đón ở sau bức tường an ninh và đưa mình đi các điểm xung quanh Bethlehem

     🔺Điểm đầu tiên là đi dọc bức tường an ninh để xem các tác phẩm graffiti phản chiến, nổi bật nhất là các tác phẩm của Banksy.

Banksy là ai? Banksy là nghệ sỹ đường phố ẩn danh đến từ Bristol, Anh, không ai biết danh tính thật cũng như tuổi tác của Banksy. Năm 2010, Banksy vào top 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí TIME. Những tác phẩm của anh không được trưng bày trong các bảo tàng hào nhoáng mà thay vào đó là những bức tường cũ kĩ gần như đổ nát hay những công trình công cộng. Chúng phản ánh hiện thực xã hội, mỉa mai các yếu tố giả dối hay đả kích các chế độ chính trị.

"Bức tường an ninh" là gì? Đầu những năm 2000, phong trào Intifada của dân Palestine nổi lên mạnh mẽ ở khu vực bờ Tây và dải Gaza gây nên nhiều vụ đánh bom tại Jerusalem. Với lý do an ninh, từ năm 2002 chính phủ Israel tiến hành xây dựng bức tường an ninh phân chia ranh giới Israel và Palestine dọc theo đường "Green line" (đường phân chia biên giới 2 nước trước cuộc chiến năm 1967). Hiện nay bức tường cao từ 5-8m với nhiều tháp canh, dài khoảng 760km với nhiều chỗ ăn sâu vào đất Palestine chứ không chỉ dọc theo biên giới khiến dân Palestine rất bất bình. LHQ từng có nghị quyết lên án bức tường với tỷ lệ ủng hộ/phản đối 150/6 nhưng nó vẫn ở đó như một biểu tượng của chủ nghĩa phân biệt. 

Cách đây khoảng 15-17 năm, không ai biết chính xác, Banksy đã tới Bethlehem và sáng tác các tác phẩm phản chiến trên chính bức tường an ninh và một số công trình lân cận. Bethlehem trở nên nổi tiếng với nhiều nghệ sỹ đến đây với mục đích góp "một ít sơn" lên bức tường an ninh với mong muốn phá bỏ bức tường và hoà bình trở lại tại khu vực. Từ năm 2018, Banksy góp cổ phần tại khách sạn The Walled Off ngay sát bức tường an ninh, khách sạn được mệnh danh có tầm nhìn xấu xí nhất thế giới, nhiều tác phẩm của Banksy được trưng bày trong sảnh khách sạn và cả phòng nghỉ của khách. Đến Bethlehem, bất cứ người Palestine cũng sẽ hỏi bạn "đã đi xem Banksy arts chưa?" và kể vanh vách về ý nghĩa của từng bức vẽ, họ tự hào đó là điểm thu hút khách du lịch và cũng là những thông điệp của người dân Bethlehem muốn truyền tải ra thế giới.

     🔺Mar Saba - Tu viện Thánh Sabba: Mar Saba được coi là một trong các tu viện Lavra cổ nhất của Chính thống giáo, nằm tại hẻm núi thuộc thung lũng Qidron, đoạn qua Mar Saba tên Wadi er-Rahib có nghĩa là "Monks' valley". Mar Saba vẫn tuân thủ những quy định hà khắc và nguyên thủy nhất của Chính thống giáo, do vậy phụ nữ không được vào bên trong tu viện. Từ Bethlehem chỉ đi mất 20 phút là tới cổng tu viện nhưng tuyến đường này không hiển thị trên google maps, nếu bạn tìm đường trên google maps thì kết quả sẽ vẫn là đi vòng về Jerusalem sang phía Đông hẻm núi mất hơn 2h, nguyên nhân vì Mar Saba nằm trong địa phận Bethlehem, Zone A do Palestine quản lý toàn bộ nên xe biển Israel không thể đi được vào.

     🔺Herodium / Jabal al-Fureidis có ý nghĩa "Mountain of Little Paradise": là một pháo đài, cung điện của vua Herod được xây dựng từ TK3 trước Công nguyên, điều đặc biệt là nó được xây dựng trên một đỉnh núi hoàn toàn nhân tạo nhìn ra sa mạc, phần pháo đài cũng là đỉnh núi, chỉ tiếc là đến nay nó bị phá hủy rất nhiều, đây cũng là một di chỉ khảo cổ thú vị ở rìa sa mạc Judean.

     🔺Beit Sahur: ở đây có một nhà thờ nhỏ mang nhiều ý nghĩa với những người theo Kito giáo, bên trong có các hình ảnh mô tả cánh đồng nơi thiên thần báo tin cho những người chăn cừu việc Jesus ra đời. Hôm mình đến gặp 2 đoàn tín đồ từ Indonesia và Mỹ rất đông tới để cử hành các nghi lễ, cùng ca hát những bài hát ca ngợi Thượng đế và Jesus

     🔺Nhà thờ Giáng Sinh - Church of Nativity là nơi mà Jesus ra đời vào ngày chúng ta gọi là ngày Giáng Sinh / Christmas. Với người Công giáo La Mã, đêm 24/12 hàng năm là ngày Giáng Sinh, còn với người Chính thống giáo đó lại là ngày 7/1. Sự khác biệt này đến từ 2 hệ thống lịch mà 2 tôn giáo này sử dụng, lịch Julian (bởi Chính thống giáo) và Gregorian (Công giáo La Mã).
Nhà thờ Giáng Sinh cũng thuộc sự quản lý bởi điều luật Status Quo - giữ nguyên hiện trạng. Do vậy, hiện nay địa điểm này được thờ phụng chung bởi Công giáo La Mã, Chính thống giáo Hy Lạp, Chính thống giáo Armenia.
Có gì trong nhà thờ Giáng Sinh?
- Điểm đặc biệt đầu tiên khi bước vào nhà thờ chính là cổng vào, lịch sử đã khiến cổng chính vào nhà thờ bị hạ xuống 2 lần (nhìn bên ngoài vẫn có thể thấy dấu tích của 2 khung cửa đầu tiên bằng đá), nguyên nhân bởi những người Hồi giáo trong quá khứ thường cưỡi ngựa thẳng vào bên trong khi cánh cổng nguyên bản rất cao lớn. Đến nay lối vào nhà thờ chỉ cao 1,5m, rộng 1,2m, mọi người muốn vào trong sẽ phải cúi mình, do vậy nó còn có tên là Cổng Khiêm nhường / Door of Humility
- Gian chính và hang đá bên dưới được thờ phụng bởi người Armenia. Lối xuống hang đá cũng rất nhỏ, bên trong là nơi Jesus được sinh ra được gọi tên Grotto of Nativity, đánh dấu bằng một ngôi sao bạc 14 cánh. Đối diện với ngôi sao bạc là nơi đặt chiếc nôi làm từ máng cỏ của Jesus.
- Bên trái của gian chính là ban thờ Chính thống giáo Hy Lạp, còn Công giáo Roma có nhà thờ riêng có tên St Catherine nằm bên trái của nhà thờ chính. Hướng của gian thờ bên trong nhà thờ St Catherine thẳng hướng mặt trời mọc nên mỗi buổi sáng, ô cửa sổ chính diện luôn sáng rực một màu đỏ cam. Bên dưới là các nhà nguyện nhỏ, trong đó có nhà ngục nơi thánh Jerome đã dịch những dòng Kinh thánh đầu tiên sang tiếng Latin, bản Kinh thánh đang được sử dụng ngày nay.

     🔺Nhà thờ sữa Đức mẹ - Chapel of Milk Grotto: theo Kinh thánh nơi đây là hang đá mà gia đình Mary đã ẩn náu trước khi sang Ai Cập, bởi nhà vua Herod ra lệnh giết hết các bé trai mới sinh ra. Mary làm rơi 1 giọt máu xuống sàn đá và nó chuyển sang màu trắng. Đây là nơi tương truyền rất linh thiêng khi cầu xin cho việc sinh nở.
Gần nhà thờ này có một cửa hàng bán đồ gỗ ô liu rất thú vị tên The Olive wood factory, cửa hàng này cha truyền con nối qua nhiều thế hệ, mình đang lang thang ngắm nghía thì ông chủ ra nói thầm: "Giá niêm yết là cho các đoàn tour chỉ vào đây chụp ảnh, còn với các bạn thì giảm 50% nhé".

📍Ngày 5: Mar Jaris - Tu viện thánh George, Deir al Krntl - Tu viện Cám dỗ, Jericho, trở về Jerusalem từ al_Eizariya / Bethany bằng bus 263

Ngày thứ 2 ở Palestine, mình đi về phía Đông Bắc, nơi có thành phố Jericho. Trước khi đến Jericho mình đến thăm một số tu viện cổ xưa của Chính thống giáo

     🔺Mar Jaris - Tu viện thánh George: hiện nay ở Palestine có những công trình tu viện Chính thống giáo theo một trường phái độc đáo có tên "lavra". Lavra là từ cổ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, từ thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên thì gần như từ này dùng để mô tả các tu viện được đục thẳng vào núi đá tại các hẻm núi ở Palestine. Mar Jaris hay St George's monastery of Choziba là một trong các tu viện lavra lâu đời nhất còn tồn tại. Nó tọa lạc lại Wadi Qelt (Wadi trong tiếng Arab có nghĩa là "thung lũng"), một nơi từng được coi là "thung lũng bóng tối của cái chết". Tu viện được xây dựng vào khoảng TK5 sau Công nguyên, nơi thánh George từ Choziba và thánh John lựa chọn làm nơi tu hành, khoảng TK7 nó bị phá hủy khi người Ba Tư xâm chiếm khu vực này. Sau khi những cuộc thập tự chinh thành công ở Jerusalem, tu viện được xây dựng lại vào TK12, một lần nữa nó lại bị bỏ hoang sau khi những người Thiên chúa giáo thất bại tại Jerusalem. Cho tới TK19 thì Chính thống giáo Hy Lạp mới lại tiếp quản tu viện cho tới ngày nay.
Tu viện nằm ở gần thành phố Jericho, Palestine nhưng lại thuộc zone C, người Palestine và Israel đều có thể đến đây.

     🔺Deir al Krntl - Tu viện Cám dỗ / Monastery of the Temptation: Theo Kinh thánh, sau khi được rửa tội Jesus đã đi vào sa mạc Judean để ăn chay và suy niệm trong 40 ngày. Trong thời gian đó, Satan đã 3 lần cám dỗ Jesus từ bỏ Chúa nhưng cuối cùng Jesus đã vượt qua được. Địa điểm diễn ra sự kiện đó tương truyền tại ngọn núi Quarantania, hay còn gọi là núi Cám dỗ - mount of Temptation, cách trung tâm Jericho khoảng 3km về phía Tây.
Sau khi hoàng đế Constantine công nhận Thiên chúa giáo là quốc giáo của toàn cõi La Mã, hoàng thái hậu Helena đã hành hương về vùng Israel/Palestine tìm kiếm, khai quật các điểm di tích, trong đó có đỉnh núi Cám dỗ. Tu viện Cám dỗ nằm hoàn toàn trong thành phố Jericho thuộc Zone A khu Bờ Tây, do vậy để đến được đây bắt buộc phải đi bằng xe biển số Palestine (màu xanh). Quy định của tu viện rất nghiêm ngặt, phải mặc đồ che chân, có thể chụp ảnh bên trong (trừ gian thờ chính) nhưng không được phép chụp ảnh các tu sĩ, hiện nay có 3 tu sĩ sinh sống tại tu viện để tiếp đón và hướng dẫn khách du lịch và các đoàn hành hương.

     🔺Jericho - thành phố cổ xưa nhất có con người sinh sống từng được ghi nhận (liên tục từ năm 9000 trước Công nguyên), cũng là thành phố có người sống thấp nhất so với mực nước biển (thấp hơn 258m so với mực nước biển). Jericho không phải là một thành phố phát triển, nhìn có vẻ hoang tàn nhưng bên dưới bất kỳ một ngôi nhà nào cũng là những lớp di tích khảo cổ vài thiên niên kỷ. Một công trình thú vị ở Jericho là "Dinh thự Hisham / Palace of Hisham", được xây dựng vào đầu TK8 vào triều đại Umayyad của người Hồi giáo. Nó là một công trình dinh thự xa hoa với những bức họa mosaic khảm đá vô cùng tinh xảo. Mặc dù Jordan mới là quê hương của thể loại tranh mosaic đá tự nhiên, nhưng ở Dinh thự Hisham, các bức tranh được bảo quả vô cùng tốt, màu sắc tự nhiên của từng viên đá vẫn còn nguyên vẹn, nổi tiếng nhất là bức tranh "Tree of life" - bức tranh này bạn đi khắp Jordan đều thấy nó vô cùng phổ biến.

     🔺Trên đường về Ali hỏi mình có muốn thấy sự căng thẳng trên các chuyến bus qua chốt an ninh không? Không phải là những chuyến "bus du lịch" từ Jerusalem sang Bethlehem mà mình từng đi. Vậy là Ali hướng dẫn mình đón bus 263 ở thành phố al-Eizariya hay còn gọi là Bethany, đây là một thành phố cách Bethlehm khoảng 20km về phía Đông Bắc hoàn toàn của người Palestine. 
     ❗️Để đi về Jerusalem, mình phải bắt xe bus 263 với giá 5,5 NIS/người, mình đứng ven đường vẫy xe luôn chứ ko cần tìm bến. Xe 263 sẽ về Jerusalem qua checkpoint phía Bắc, đây là tuyến xe bus chỉ có dân Palestine đi, không hề có khách du lịch, bởi vậy những người trên xe nhìn 3 người châu Á với ánh mất rất ngạc nhiên.
- Đến checkpoint phía Bắc Jerusalem thì xe bị vẫy vào bãi đất trống bên cạnh. Toàn bộ người trên xe không ai bảo ai tự động bỏ hết túi lại trên xe và đi xuống, trừ 2 bà già, 1 cô bé, 1 cậu bé khoảng 14 tuổi.
- 2 ngày trải nghiệm với những con người Palestine ấm áp khiến mình đã lưỡng lự giữa việc ở lại trên xe và đi cùng những người Palestine xuống kiểm tra an ninh như một cách chia sẻ sự bình đẳng với họ. Chưa kịp xuống thì 2 cảnh sát Israel đã lên xe và đòi xem hộ chiếu của mình.
"Tourists? Do you have blue cards?"
"Yes, we put them in the passports"
Sau khi so kỹ mặt từng người thì viên cảnh sát trả lại giấy tờ và kiểm tra những người còn lại. Mình thấy 2 bà già và cô bé không bị kiểm tra gì, cậu bé rút điện thoại cho viên cảnh sát xem giấy gì đó nhưng bị hất hàm bảo xuống xe. Tất cả bọn họ đều không ai thèm nhìn 2 viên cảnh sát hay mở lời gì đó.
- Tranh thủ lúc 2 viên cảnh sát đang xuống mình chụp trộm được 2 bức ảnh. Những người Palestine ngoan ngoãn đi vào 1 chiếc lồng an ninh khổng lồ như đã quá quen thuộc với nó hàng ngày, trên mảnh đất từng là quê hương của ông cha họ, dưới sự kiểm soát của những người thuộc dân tộc khác, quốc gia khác. 
- Sau khi bị kiểm tra an ninh thì mọi người lại lên xe, mình thấy thiếu vài gương mặt nam giới, có lẽ bị giữ lại.
- 4-5 bến tiếp theo là xe về đến khu dân cư Arab bên ngoài cổng Damascus, tất cả đều xuống xe. Hành trình đến Palestine của mình kết thúc, nhưng sự chịu đựng của những người Palestine đó vẫn sẽ diễn ra bình thường hàng ngày.

📌Khách sạn: Dar Sitti Aziza tại trung tâm Bethlehem, cách Nhà thờ Giáng Sinh 2p đi bộ. Ở đây giống như một homestay hơn là khách sạn, nó thuộc về một gia đình Công giáo Palestine qua 2 thế hệ, bây giờ ông Nabil - người con trai cả đang quản lý cùng với em gái của mình. Nếu các bạn tìm kiếm trên internet thì chắc chắn Dar Sitti Aziza là nơi số 1 để dành 1-2 đêm tại Bethlehem, mình rất thích ngồi ăn bữa sáng dưới tán cây dẻ hơn 200 tuổi mà Nabil rất tự hào.
📌Nhà hàng: mình chỉ ở 1 đêm ở Bethlehem, tối đi dạo ở xung quanh Manger Square nên vào ăn ở nhà hàng Arab góc quảng trường có tên Abu Dawod chế biến các món thịt nướng rất ngon, hummus ăn cùng với falafel cũng vậy. Hôm sau gặp lại Nabil mới biết đó cũng là một nhà hàng có tiếng ở Bethlehem nhưng giá cũng same same với bên Israel.

Vậy là hành trình 6 ngày của mình ở Jerusalem và Palestine đã kết thúc, không biết đến bao giờ mình mới có duyên quay lại vùng đất lịch sử nhưng rất căng thẳng này. Hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ có giải pháp hòa bình cho những con người ở cả 2 phía Israel và Palestine.

❗️Phần 1 - 4 ngày ở Jerusalem các bạn xem ở đây nhé


❗️8 ngày ở Jordan trước khi sang Israel ở đây

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn